Người đứng đầu ngành xây dựng cho biết, doanh nghiệp bất động sản đầu tư theo phong trào, tất cả kéo lên một chiếc thuyền nên khi gặp sóng thì chồng chềnh. Ở Nhật và Mỹ, đơn vị kinh nghiệm trăm năm còn đổ vỡ nên chuyện phá sản là bình thường.
Tại hội nghị doanh nghiệp ngành xây dựng năm 2011 chiều 17/12, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã trao đổi với báo chí xung quanh khó khăn tình hình thị trường bất động sản.
- Nhiều chung cư giảm giá khiến không ít người lo ngại, địa ốc Hà Nội sắp tới sẽ xuất hiện làn sóng bán tháo, còn ý kiến bộ trưởng?
- Tôi cho rằng, giảm giá thì tốt quá. Cung tăng cầu giảm thì phải giảm giá. Quy luật kinh tế thị trường là vậy. Giảm giá thì có lợi cho người tiêu dùng và thiệt cho người sản xuất nhưng làm sao để cả hai cùng có lợi lại là vấn đề. Nói giảm giá thì chúng ta phải xem xem giá trị thực như thế nào. Nhiều người nói năm sau thị trường mới giảm giá nhưng thực tế là hiện nay, tại thời điểm này đã giảm giá rồi. Còn thời gian tới như thế nào, tôi nghĩ, còn tùy thuộc vào sự phát triển thị trường bất động sản và sự chịu đựng của từng doanh nghiệp.
Ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Xây dựng chia sẻ về những khó khăn trong thị trường bất động sản. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
- Thị trường chung cư vốn đã rất trầm lắng, sau hàng loạt vụ hỏa hoạn xảy ra, dư luận dấy lên lo ngại chất lượng chung cư kém, không đảm bảo an toàn và người Hà Nội sẽ quay lưng với phân khúc này, Bộ trưởng nghĩ gì về điều này?
- Các chung cư giá thấp của Vinaconex và một số chủ đầu tư thì bán rất tốt. Ngày xưa có một số công trình chất lượng thấp. Song tôi cho rằng, nói công trình chất lượng thấp mà người dân quay lưng lại với chung cư thì không đúng. TP HCM chung cư rất tốt. Có nhiều công trình như Keangnam, tòa nhà Quốc hội đang xây dựng áp nhiều công nghệ mới được áp. Bộ rất quan tâm đến chất lượng nhà chung cư và không thể để tình trạng chất lượng nhà đang trong quá trình xây dựng kém. Chất lượng xây dựng cần đảm bảo quy hoạch, kế hoạch dự án, giám sát, thiết kế xây dựng, kiểm soát, nghiệm thu, khai thác sử dụng. Tất cả các quy trình vẫn tuân thủ.
-Ông nhận xét gì về thực tế trong năm 2011, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”, không tuyên bố phá sản nhưng hoạt động kinh doanh bị lỗ nặng nề?
- Tôi cho rằng, doanh nghiệp cũng phải chịu quy luật phát triển. Có đơn vị nghiệp phát triển lên, có người bị đào thải. Ngay như Nhật cũng thế, cuối năm hàng nghìn, hạng vạn doanh nghiệp phá sản. Rồi cả những đơn vị nổi tiếng như hãng hàng không của Mỹ cũng khốn đốn. Kinh nghiệm hàng trăm năm mà còn thế, nên theo tôi, phá sản là chuyện bình thường. Nhưng phá sản nhiều hay ít thì cần phải lưu ý. Trong bối cảnh khó khăn, nếu không có giải pháp thì nhiều doanh nghiệp còn phá sản, dù không ai muốn. Đây thuộc về trách nhiệm của Bộ Xây dựng, Chính phủ. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng phải tái cấu trúc trước hết là về sản phẩm rồi đến công nghệ, vốn để có thể đứng vững trong thị trường đầy khắc nghiệt như hiện nay.
- Ông cảm thấy thế nào khi nhận lời chê trách, Bộ dù là cơ quan đầu ngành nhưng lại chưa phát huy được vai trò cầm cân nảy mực, điều tiết xốc lại thị trường trong bối cảnh khó khăn?
- Điều này đúng là có một phần lỗi của Bộ. Nguyên nhân của thị trường bất động sản như hiện nay có phần trách nhiệm trong sự quản lý của Nhà nước về quy hoạch, kế hoạch, kiểm soát phát triển chưa đồng đều. Nhưng cũng phải khẳng định doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhưng làm theo phong trào. Tôi nói thế này, cứ hình dung tất cả mọi người cùng kéo nhau ngồi trên thuyền, rồi khi gặp sóng thì chồng chềnh rõ ràng, doanh nghiệp cũng có trách nhiệm một phần. Doanh nghiệp chịu thiệt đầu tiên, rồi đến nhà nước và xã hội.
Bất động sản ảnh hưởng đến phát triển bền vững, an sinh xã hội, kinh tế vĩ mô thì phải cứu. Cứu không có có nghĩa mang tính chất giải cứu thông thường mà vấn đề theo tôi là làm thế nào để tạo động lực cho thị trường phát triển, giải quyết lao động, đóng góp cho vấn đề an sinh. Nhà nước không bỏ rơi thị trường nào cả, phát triển đồng bộ các thị trường trong đó có thị trường chứng khoán, bất động sản, lao động, hàng hóa. Doanh nghiệp cũng phải xem lại, tái cơ cấu, phân khúc của mình bán ra thế nào là phù hợp.
- Ông nói doanh nghiệp có phần lỗi, vậy Bộ trưởng nhận định thế nào về việc hai “ông lớn” HUD và Sông Đà, sau giai đoàn ồn ào về việc lên tập đoàn đã im lìm và không thể phát huy được vai trò đầu tàu trong việc định hướng thị trường bất động sản?
- Nhà chung cư tạo ra phát triển ở khu đô thị mới, tạo ra cách sinh hoạt văn minh. Rõ ràng so với nhu cầu thì HUD chưa đạt được như mong muốn, cá nhân tôi nghĩ vậy. Bộ cũng yêu cầu sắp tới là cần phải làm để khẳng định vai trò của HUD trong việc phát triển nhà ở, nhà đô thị, đặc biệt là công cụ Nhà nước trong việc phát triển nhà ở thu nhập thấp.
Tập đoàn sông Đà phát triển dự án nhiều công trình trọng điểm quốc gia ở những khu vực giai đoạn khó khăn nhất, gian khổ nhất, từ Tây Nguyên, Tây Bắc, hải đảo. Vai trò của Sông Đà rất lớn và không thể thiếu trong việc xây dựng các dự án trọng điểm. Sắp tới, xây dựng công trình xây dựng nhà máy nguyên tử Ninh Thuận thì Sông Đà không thể vắng mặt. Về nhà ở thì sông Đà còn hạn chế và chính phủ cũng đang tập trung tái cơ cấu.
- Một số phân khúc, trong đó có nhà thu nhập thấp, sau khi được mở van tín dụng vẫn chưa có sự chuyển biến rõ rệt, người dân vẫn thờ ơ vì giá quá cao, thực hư chuyện này ra sao thưa Bộ trưởng?
- Tôi cho rằng, rõ ràng việc mở van tín dụng phải đúng chỗ. Nếu mở đúng chỗ thì chắc chắn phải có hiệu quả. Nhưng tôi phải khẳng định thế này, hiện kinh tế đang khó khăn, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh bất động sản, việc xác định ngay hiệu quả của việc mở van tín dụng cũng cần có thời gian. Nhà thu nhập thấp được hỗ trợ về đất, thuế nhưng giá nhà thủ đô cao gấp đôi một số khu vực vì Hà Nội phải làm hạ tầng, chi phí đền bù, thị trường cao hơn nên giá cả phải khác.
- Bất động sản trong năm tới được nhiều chuyên gia cho rằng sẽ ngập trong khó khăn, còn Bộ trưởng nhận định thế nào?
- Tình hình kinh tế mặc dù hiện nay đã đạt được những mục tiêu đề ra của năm 2011 tức là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội nhưng nguy cơ mất ổn định thì chưa biết, đặc biệt là tác động của suy thoái kinh tế, cũng như nội tại của chúng ta. Kinh tế năm 2012 cũng không đặt mục tiêu tăng trưởng cao mà tăng cường kiềm chế lạm phát. Tình hình đang rất khó khăn, sang năm, ít nhất là 6 tháng nữa, tôi cho rằng, chúng ta vẫn phải tiếp tục chịu đựng. Năm tới, điểm sáng của thị trường theo tôi là phân khúc nhà cho người thu nhập thấp. Nhưng giá phải ở mức độ phù hợp với khả năng thanh toán của người dân.
Hoàng Lan
0 nhận xét:
Đăng nhận xét